Tết Trung Thu

Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng Tám âm lịch, ở Việt Nam, nhà nhà tổ chức Tết Trung thu. Khởi thuỷ của Tết trung thu là Tết trông trăng của người lớn, nhưng về sau, Tết trung thu lại dành riêng cho trẻ em. Chính vì vậy, Tết trung thu còn gọi là Tết nhi đồng.

Chuẩn bị cho Tết Trung thu
Để chuẩn bị cho Tết Trung thu, ngay từ đầu tháng Tám âm lịch, nhà nào cũng làm bánh trái đủ loại, đủ hình thù và màu sắc. Tại các chợ trong dịp này cũng bày bán đủ thứ bánh Trung thu màu sắc sặc sỡ đẹp mắt vô cùng. Đồ chơi được bán ở các chợ từ thôn quê cho đến thành phố phần lớn làm bằng giấy bồi, đất sét hay bột lọc trộn hoặc pha đủ màu: voi, ngựa, thỏ, các.. nhưng nhiều nhất là lồng đèn con cá, con bươm bướm, ngôi sao, đèn kéo quân… Đặc biệt trong các loại đồ chơi này có một loại mà ai cũng mua về cho trẻ em chơi, đó là ông tiến sĩ bằng giấy làm rất đẹp, với ước mong sau này con mình sẽ đỗ đạt làm rạng rỡ tổ tông.

Vui Tết Trung thu
Xưa kia, vào ngày 14, 15 tháng Tám âm lịch, khắp nơi từ thôn quê đến thành thị, trong không khí mát mẻ của mùa thu, dưới ánh trăng sáng, từng đoàn trẻ con tay xách lồng đèn miệng ca vang, đi khắp thôn xóm phố phường trong tiếng trống, tiếng hò reo vui vẻ. Nhiều nơi lại tổ chức múa lân, múa rồng, ca hát từ chập tối cho đến khuya mới phá cỗ trông trăng. Vào ngày Tết Trung thu, nhất là vào đêm rằm, nhà nhà treo đèn kết hoa trong vườn, trước hiên nhà, bày cỗ, thưởng trăng. Nhiều nơi còn tổ chức thi rước đèn, thi bày cỗ. Cỗ Trung thu thường là bánh. Người ta làm một chiếc bánh Trung thu hình mặt trăng to tròn đặt vào trong mâm. Giữa mâm, chỗ cao nhất đặt ông tiến sĩ giấy xung quanh, xếp quanh các loại bánh trái, hoa quả. Sau khi chơi trăng xong, các em sẽ cùng nhau phá cỗ trong bầu không khí đầm ấm vui vẻ.

Tết nhi đồng Việt nam
Ngày nay, trẻ em Việt Nam có hai ngày Tết. Đó là ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 dương lịch và ngày tết Trung thu. Vào ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 dương lịch, người ta cũng tổ chức cho trẻ em vui chơi, phát bánh kẹo cho trẻ em. Song ngày này đối với trẻ em không thể vui bằng ngày Tết Trung thu. Vào dịp Tết Trung thu, ngay từ ngày 13 tháng Tám âm lịch, nhà nào cũng mua hộp bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả tươi để bày cỗ. Trẻ em được cha mẹ đưa đi sắm đồ chơi. Các khu phố, phường, xã, quận, huyện đều tổ chức múa lân, bày cỗ trông trăng cho mọi trẻ nhỏ ở địa phương tham dự. Ngoài chăm lo tổ chức cho trẻ em đón Tết Trung thu, các gia đình thường mua bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả biếu ông bà, cha mẹ cùng vui đón Tết thưởng trăng và không quên thắp nén nhang mời tổ tiên về vui đón Tết Trung thu cùng gia đình.

(Theo sách phong tục Việt nam của Trương Đình Tín, 2004)