Tiếng Slovak - Slovenský jazyk - Slovenčina - Slovak language

Tiếng Slovak (Slovenčina, phát âm: x-lô-ven-trin-na hay slovenský jazyk, phát âm: x-lô-ven-xki ia-dik) là ngôn ngữ thuộc hệ Ấn-Âu, trong nhóm ngôn ngữ Tây- Slav (cùng nhóm với tiếng Séc, tiếng Ba Lan và tiếng Serbia Lugic).

Hiện nay chưa có sự thống nhất trong cách gọi "ngôn ngữ Slovak". Ở Việt Nam, ta thường thấy xuất hiện cách gọi "tiếng Xlôvakia" do tên quốc gia này xâm nhập vào tiếng Việt được viết bằng tiếng Anh là Slovakia. Ở các tài liệu trên internet thường dùng cách gọi "tiếng Slovak". Có lẽ cách gọi này xuất hiện do dịch từ tiếng Anh "Slovak language".

Lịch sử ngôn ngữ viết Slovak
Vào thời gian giữa hai thế kỷ 4-6, người Slav cổ xưa đã sinh sống lan rộng ra các vùng nam, trung và đông Châu Âu. Các nhà văn cổ đại gọi họ là người Vened hay người Vinid. Đầu thế kỷ thứ 9, sau khi thoát khỏi ách đô hộ của người Avar, các lãnh chúa (tiếng Slovak- knieža) chiếm các miền đất lớn lập nên những nền tảng đầu tiên cho đất nước Tây Slav, về sau vua Konstantin Porfygenetos gọi là vương quốc Đại Morava.

Konstantin và Metod
Vào khoảng năm 830 người Slav đón nhận công giáo vào lãnh thổ Morava và Nitra. Các lãnh chúa luôn đánh chiếm nhau để dành quyền cai trị, các giám mục công giáo người nước ngoài cũng lợi dụng việc truyền đạo để chiếm đất của Đại Morava. Với mục đích xây dựng nhà nước vững mạnh và độc lập, lãnh chúa Ratislav (846-870) yêu cầu Rôma đào tạo giáo chức riêng cho giáo phận Morava. Đến 863 đế quốc Byzantine mới chấp nhận cho hai anh em Konstantin và Metod người Solun hiểu tiếng người Slav miền Macedon đến truyền đạo. Trên cơ sở chữ cái Hy Lạp hai ông lập nên chữ Slav để dạy chữ, ngữ pháp, âm nhạc và đạo công giáo. Sau khi Konstantin mất năm 869, Metod nhận chức làm giám mục (Arcibiskup) vùng Morava- Panon.

Thánh ngữ
Sau khi Đại Morava tan rã, tiếng La Tinh trở thành ngôn ngữ chính của đế quốc Áo Hung đến nửa thế kỷ 19 và cũng trong thời kỳ này, mối quan hệ văn hóa hai dân tộc Séc và Slovakia vẫn bền vững. Người Slovak được học ở đại học Praha sau khi thành lập vào năm 1348. Tiếng Séc gia nhập vào Slovakia nhờ các phong trào khởi nghĩa Husit lan rộng vào thể kỷ 15. Tiếng Séc dùng để dịch sách giảng đạo, được dùng ở Slovakia như ngôn ngữ chính thức nên còn được gọi là thánh ngữ. Các yếu tố Slovak dần thâm nhập vào thánh ngữ này.
Trước thế kỷ 11, người Slovak vẫn nói bằng tiếng Slovak của mình, nhưng phải viết bằng chữ La Tinh hay chữ Séc. Vào thế kỷ 16 đến 18, các học giả Slovak như Vavrinec Benedikt xứ Nedožier, Benedikt Szőllősi, Daniel Sinapius Horčička, Matej Bel đề cao âm điệu, sự trong sạch, phong phú của tiếng Slovak và quyết tâm nâng cao tiếng Slovak từ hình thức nói sang hình thức viết.

Tiếng Slovak hiện đại
Anton Bernolák lần đầu tiên xây dựng tiếng Slovak chuẩn vào năm 1787, củng cố hệ thống chính tả, khởi đầu qui tắc ngữ pháp và từ điển. Tiếng Slovak ngày nay được thế hệ ngôn ngữ Stur (tiếng Slovak Štúr, đọc là Sờ-tu-rờ) bao gồm Ľudovít Štúr, Jozef Miloslav Hurban a Michal Miloslav Hodža đưa ra năm 1843 trong cuộc họp qui định tiếng Slovak chuẩn trên cơ sở tiếng Slovak cổ. Cải cách ngôn ngữ Slovak của Stur nhanh chóng nảy nở và được dùng đến ngày nay sau một số sửa đổi.
Trong quá trình hoàn thiện tiếng Slovak hiện đại có lẽ phải kể đến công lao của:
- Martin Hattala, người xây dựng ngữ pháp tiếng Slovak một cách khoa học và cho xuất bản với tên Krátka mluvnica slovenská năm 1852 (Lý thuyết tiếng Slovak ngắn gọn).
- Samo Czambel, hoàn thành bản viết tay về ngôn ngữ viết Slovak vào năm 1902.
Các luật chính tả tiếng Slovak đầu tiên xuất bản năm 1931 (cuốn sách Pravidlá slovenského pravopisu).

(Theo Wikipedia tiếng Việt, 2007)